Dấu ấn 80 năm cuộc vượt ngục của hơn 100 tù chính trị ở Nhà tù Hỏa Lò
13/03/2025 16:45
Chương trình góp phần ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, là dịp để thế hệ ngày nay được bày tỏ lòng tri ân đến các chiến sĩ cách mạng từng tham gia cuộc vượt ngục lịch sử năm xưa và cảm nhận sâu sắc về quá khứ hào hùng, bản lĩnh, trí tuệ của cha ông, từ đó nuôi dưỡng những giá trị tinh thần quan trọng như: Lòng biết ơn, tình yêu đất nước và sức mạnh vượt khó.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm quyền quản lý Nhà tù Hỏa Lò. Lợi dụng quân Nhật có nhiều sơ hở trong việc canh phòng, hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục bằng nhiều hình thức: “Thăng thiên” trèo tường; “độn thổ” chui cống ngầm; “vuốt râu hùm đi qua cửa ngục”. Tại Nhà tù Hỏa Lò, các tù chính trị đã chờ đợi ngày Nhật - Pháp bắn nhau từ lâu, vì đây là thời cơ thuận lợi có một không hai để vượt ngục.
![]() |
![]() |
Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh vượt ngục năm xưa tại Nhà tù Hỏa Lò. |
Sau khi điện tắt, tiếng súng nổ ran, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch ngoài sân, các chiến sĩ vui mừng, đập tường gọi nhau rối rít. Khoảng hai giờ sau, lính Nhật vào nhà tù canh gác. Các giám thị, giám ngục người Pháp đều bị bắt giam, kêu la thảm hại. Đến nửa đêm, tên sĩ quan Nhật dẫn theo tiểu đội lính chiến vào trại giam để dụ dỗ các tù chính trị.
Kiên quyết giữ lập trường, quyết không để phát xít Nhật lợi dụng, các chiến sĩ đã tương kế tựu kế, tranh thủ lúc tình hình còn rối ren, tổ chức của quân Nhật vẫn còn lỏng lẻo, đã khẩn trương, tìm mọi cách để vượt ngục.
Sau khi vượt ngục thành công, các chiến sĩ nhanh chóng tỏa về các địa phương, kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo cốt cán, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.
Như lời đúc kết của một nhân chứng tham gia vượt ngục bằng hình thức “độn thổ” - chui cống, thì cuộc vượt ngục tháng 3-1945 thành công một cách thần kỳ là nhờ "ba cái có" của các tù chính trị, đó là: "Có lòng dũng cảm, có mưu trí, sáng tạo và còn có cả máu mạo hiểm".
Mặc dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những ký ức về năm tháng bị giam cầm, tra tấn và ý chí quyết tâm chiến đấu với kẻ thù của các chiến sĩ mãi là những tháng ngày vô cùng ý nghĩa đối với ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò.
Sau khi thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những đồng đội đã nằm lại nơi này, ông Nguyễn Tiến Hà bộc bạch: “Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ đã tranh thủ thời cơ, mưu trí và dũng cảm để thực hiện các cuộc vượt ngục thành công, từ đó tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng. Cuộc vượt ngục vào tháng 3-1945 thể hiện tinh thần đoàn kết, đấu tranh bền bỉ của những chiến sĩ cộng sản kiên trung”.
![]() |
Không gian giới thiệu với người xem hình ảnh các tù chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò. |
Thay mặt gia đình cựu tù chính trị Trần Tử Bình, đồng chí Trần Kháng Chiến chia sẻ: Thành công của cuộc vượt ngục tại Nhà tù Hỏa Lò, trở về với nhân dân, với Đảng của các tù chính trị vào tháng 3-1945 là một sự kiện rất đáng tự hào trong lịch sử đấu tranh kiên cường của tù chính trị Việt Nam trong nhà tù đế quốc.
“Từ khi di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm tham quan lịch sử, chúng tôi - thế hệ con, cháu của các tù chính trị từng bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò coi đây là địa chỉ gắn với sự nghiệp cách mạng của cha, mẹ mình. Chúng tôi thường xuyên đến thăm di tích lịch sử này để dâng hương tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh”, đồng chí Trần Kháng Chiến cho biết.
Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: Theo thời gian, các nhân chứng của cuộc vượt ngục lịch sử vào tháng 3-1945 đã không còn nữa, nhưng các chương trình giao lưu, trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động và chương trình “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” vẫn được tổ chức đều đặn, để lớp lớp cháu con được tri ân, tưởng nhớ đến công lao của thế hệ cha ông, cùng góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp và hùng cường.
![]() |
Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò nhận bản sao Huân chương Sao Vàng của đồng chí Trần Tử Bình do gia đình trao tặng. |
“Trong buổi giao lưu ấm áp ngày hôm nay, chúng tôi rất mong nhận được những chia sẻ, sự ủng hộ về tư liệu, hiện vật của các bác, các cô, chú và các nhà khoa học… để chúng tôi có thêm tư liệu thực hiện trưng bày chuyên đề vào năm 2030, nhân kỷ niệm 85 năm cuộc vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò”, Giám đốc Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy nhấn mạnh.
8 thập kỷ đã trôi qua, nhưng giá trị và ý nghĩa của cuộc vượt ngục lịch sử vẫn còn mãi với thời gian. Những dấu ấn về tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo của những chiến sĩ tham gia cuộc vượt ngục năm xưa vẫn luôn hiện hữu và âm vang mãi, như một minh chứng trường tồn cho lòng yêu nước và khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, tự do ngày hôm nay.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Các bài viết liên quan

Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản đã được công nhận sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới

Nhà hát Kịch nói Quân đội: Báo cáo vở diễn mới về phòng, chống tội phạm ma túy

Chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” trưng bày hơn 700 bức tranh
