Nét đẹp bình dị trong ảnh Lê Vấn
14/03/2025 16:24
NSNA Lê Vấn lớn lên từ mảnh đất xứ Quảng, ký ức của một tuổi thơ lăn lộn đã hình thành trong ông sự nhạy cảm đặc biệt với con người và vùng đất nơi đây. Những thôi thúc của cảm xúc đã dần đưa một cậu bé nương tựa vào nhiếp ảnh để sống, trở thành một NSNA có khát vọng nghệ thuật.
Chỉ cần theo ống kính của ông vào độ những ngày giáp xuân, không khí ngày hội nơi vùng biên Tây Giang (Quảng Nam) sẽ tràn về. Đâu đó là những người đàn ông đang loay hoay dựng lều trại, sự nôn nao của những đứa trẻ vui hội, hay điệu múa của “người nghệ sĩ bản làng” dưới ngọn lửa đuốc... Thế nhưng khi nhìn lại loạt ảnh mới thấy, Lê Vấn đã dành phần lớn thời gian lặng lẽ tách biệt khỏi sự nô nức của ngày hội, theo chân người dân về với bản làng.
![]() |
Ngày trở về. Ảnh: LÊ VẤN |
Ông kể: “Khi đến nhà, nhìn lên trên vách là ba lô và chiếc mũ cối bộ đội đã làm tôi xúc động vô cùng. Có thể đối với người khác là bình thường nhưng với những người đã trải qua thời chiến, đó là cả gia tài của họ, họ trân trọng nó, gìn giữ nó, giản dị thôi nhưng rất cảm xúc”.
Bức ảnh đó không chỉ ghi lại ký ức của một người lính Cụ Hồ mà còn cả cảm xúc của chính NSNA Lê Vấn. Ông không dùng để tham gia các cuộc thi hay triển lãm mà đơn giản chỉ là muốn lưu lại một khoảnh khắc đáng được trân trọng.
Cũng vì thế mà mỗi lần nhắc đến vùng biên xứ Quảng, Lê Vấn lại bồi hồi cảm xúc, bao câu chuyện kể mãi chẳng hết. Có lần Lê Vấn quay trở lại Tây Giang khi tham gia sáng tác trong một cuộc thi ảnh. Ông được dịp bắt gặp hình ảnh của những người lính biên phòng trong Chương trình “Thắp sáng vùng biên” bằng đèn năng lượng mặt trời. Từng niềm vui trong ánh mắt của người dân càng thúc giục ông ghi lại khoảnh khắc ý nghĩa ấy. Lê Vấn bày tỏ: “Đó chính là sự chân thật mà tôi vẫn luôn tìm kiếm, không phô trương, không cầu kỳ nhưng nhìn vào ánh mắt và nụ cười của họ cũng đủ để thể hiện rõ nét nội dung tác phẩm”.
Công chúng nhớ đến NSNA Lê Vấn với tác phẩm “Ngày trở về”. Tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 và hàng loạt giải thưởng khác. Ông kể: “Trước đó, tôi đã lên nhà và chụp lại khoảnh khắc của mẹ vợ và cháu Anh hùng Lực lượng vũ trang Alăng Bảy nhưng không gặp ông. Mãi đến sau này, khi một lần nữa trở lại miền núi Đông Giang, tôi mới bắt gặp hình ảnh của ông cùng gia đình, nhưng vẫn thấy chưa thỏa mãn, nó khiến tôi cứ trằn trọc suy nghĩ mãi. Tôi quyết tâm phải trở lại một lần nữa để chụp lại khoảnh khắc mà mình mong muốn”.
“Ngày trở về" là tác phẩm mà NSNA Lê Vấn cảm thấy hài lòng và dụng công nhiều nhất. Với Lê Vấn, nghệ thuật của nhiếp ảnh không nằm ở giá trị đầu tư vào thiết bị, kỹ thuật mà nó nằm ở sự đam mê của người NSNA. Chính những rung cảm trước thiên nhiên và con người mới là thứ nuôi dưỡng cảm xúc bền bỉ nhất.
“Nhiếp ảnh ai cũng có thể làm được, nhưng liệu họ đến với nhiếp ảnh là vì niềm yêu thích nghệ thuật hay chỉ là phục vụ cho những cảm xúc nhất thời? Những tác phẩm ra đời có thể có góc máy rất chuẩn, màu sắc hài hòa nhưng bên trong lại trống rỗng thì rất khó mang lại cảm xúc cho người xem”. Sau khi chia sẻ như vậy, NSNA Lê Vấn cho rằng chỉ khi người chụp ảnh thực sự có đam mê, dấn thân thì mới mang lại những tác phẩm ý nghĩa cho công chúng.
KIM NGÂN - DIỄM PHÚC
Các bài viết liên quan

Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản đã được công nhận sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới

Nhà hát Kịch nói Quân đội: Báo cáo vở diễn mới về phòng, chống tội phạm ma túy

Chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” trưng bày hơn 700 bức tranh
