Xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân
12/03/2025 15:51
Qua hơn 3 năm triển khai (2021-2024), việc thực hiện đề án đạt nhiều kết quả tích cực. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng về quá trình triển khai và kết quả ban đầu.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Vụ trưởng, qua hơn 3 năm thực hiện giai đoạn 1 Đề án 1371, kết quả đạt được như thế nào?
Đại tá Nguyễn Việt Dũng: Có thể thấy, qua hơn 3 năm thực hiện Đề án 1371 (2021-2024), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, tổ chức và chính quyền các địa phương; công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung, thực hiện Đề án 1371 nói riêng đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tích cực, toàn diện, rộng khắp, hướng về cơ sở bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
![]() |
Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 2 cấp phát tờ rơi, tuyên truyền biển, đảo, pháp luật đến các chủ tàu cá và ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: VĂN CHUNG |
Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các đơn vị Quân đội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, phối hợp chặt chẽ với địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1 của đề án đã đề ra. PBGDPL đã thực sự chú trọng xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm; ý thức về chủ quyền quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; xây dựng mối quan hệ quân dân ngày càng gắn bó mật thiết; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”...
PV: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về việc triển khai cụ thể đề án ra sao để đạt được kết quả đó?
Đại tá Nguyễn Việt Dũng: Xác định triển khai đề án có vai trò quan trọng, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1371, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc đề án do đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cấp Bộ Quốc phòng. Ở các quân khu, quân chủng, binh chủng, bộ tư lệnh, học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tùy tính chất, đặc điểm nhiệm vụ để thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc hoặc giao cho hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đảm nhiệm việc tham mưu, tư vấn lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án. Ở cấp không thành lập hội đồng phối hợp PBGDPL, việc tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án do cơ quan chính trị, cán bộ chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, cán bộ có liên quan thực hiện.
![]() |
Đại tá Nguyễn Việt Dũng. Ảnh: VĂN CHUNG |
Để bảo đảm thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, triển khai đề án, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đề án đã biên tập, phát hành tài liệu có liên quan đến việc triển khai đề án; kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân; nội dung hỏi-đáp pháp luật về quân sự, quốc phòng và pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân; biên soạn, phát hành các chuyên đề chuyên sâu, tờ gấp pháp luật phục vụ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân; lập dự toán và phân cấp kinh phí, mua sắm phương tiện, vật chất, tài liệu, bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Ban chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo mỗi quân khu lựa chọn 1 tỉnh; mỗi tỉnh lựa chọn từ 2 đến 3 huyện; cấp quân đoàn và tương đương lựa chọn 1 đơn vị; các đơn vị còn lại lựa chọn ít nhất 1 đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện đề án. Ban chỉ đạo đề án đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng ký Quy chế phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam; chỉ đạo Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đề án (Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng) ký quy chế và trực tiếp phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội để triển khai thực hiện đề án.
Các thành viên Ban chỉ đạo đề án thuộc các cơ quan: Cục Tuyên huấn, Cục Dân vận, Cục Nhà trường, Cục Quân huấn, Cục Dân quân tự vệ, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam đã tích cực, chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo đề án và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, triển khai thực hiện đề án. Cấp ủy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, phổ biến và thực hiện đề án.
PV: Qua quá trình triển khai và thực hiện đề án, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Việt Dũng: Có thể nói, rất nhiều kinh nghiệm được rút ra qua giai đoạn 1 triển khai và thực hiện đề án. Có thể khái quát thành các vấn đề sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của người chỉ huy, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị Quân đội với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, bảo đảm đề án được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương và đối tượng tuyên truyền.
Hai là, phải nắm chắc nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; tích cực nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, thành tựu khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số; gắn thực hiện đề án với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân; gắn thực hiện Đề án 1371 với các đề án, kế hoạch PBGDPL khác cho nhân dân ở cơ sở.
Ba là, coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt cho công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng, có chuyên môn, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, điển hình tiên tiến.
PV: Thưa đồng chí Vụ trưởng, những chủ trương, định hướng và giải pháp trong triển khai đề án thời gian tới là gì để đạt hiệu quả cao nhất?
Đại tá Nguyễn Việt Dũng: Việc triển khai và thực hiện đề án cần bám sát các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Trong đó, tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Cùng với đó, cần phát huy tốt vai trò của Ban chỉ đạo, tổ giúp việc đề án ở các cấp; hội đồng phối hợp PBGDPL; cơ quan chính trị, pháp chế và các cơ quan có liên quan trong tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đề án; chú trọng, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo.
Một định hướng quan trọng nữa, đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền, vận động nhân dân tìm hiểu và nghiêm túc chấp hành pháp luật. Gắn công tác PBGDPL với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, các đề án, cuộc vận động ở địa phương, đơn vị Quân đội...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN ANH (thực hiện)
Các bài viết liên quan

Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Quân đội

Quân đoàn 34: Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
