Hồn thơ nặng lòng với Thủ đô
13/03/2025 16:33
Thủ đô không phải quê hương của GS, TS Nguyễn Chí Bền nhưng ông gắn bó với mảnh đất kinh kỳ gần trọn cuộc đời. Khi gắn bó với một mảnh đất nào đó, ngay cả một cái cây vô danh ở góc phố cũng sẽ gắn với bao kỷ niệm, trở nên thân quen: “Một khoảng xanh nơi góc phố/ Cây bàng như chẳng biết thời gian/ Bụi trên lá rồi mưa làm sạch/ Vẫn tinh khôi xanh mát một màu xanh” (Cây bàng phố Khâm Thiên).
![]() |
Bìa tập thơ. |
Tình cảm với Thủ đô trong ông càng mãnh liệt hơn, bởi ông có quãng thời gian 13 năm rời xa Hà Nội, công tác ở miền Nam. Khi trở lại Hà Nội, ông đã sáng tác bài thơ có lẽ là ấn tượng nhất, được lấy làm nhan đề cho tập thơ: “Tôi về với tiếng ve/ Hương hoàng lan đẫm mát/ Lẫn vào trong tiếng nhạc/ Phố phường xanh ánh trăng”.
GS, TS Nguyễn Chí Bền yêu mến Hà Nội còn có lý do riêng tư khác: Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, dày đặc di tích lịch sử, huyền thoại dân gian... Với ông, văn hóa Hà Nội là đối tượng nghiên cứu chẳng bao giờ có thể khám phá hết. Đôi khi những suy ngẫm có thể không được thể hiện bằng các khái niệm, thao tác nghiên cứu, mà lại được ông thể hiện bằng thơ: “Nước xanh và chuyện kể/ Thời gian như nước Nhị Hà ngoài kia trôi ra biển cả/ Bao lớp người/ Mang huyền thoại đến mọi chân trời” (Trò chuyện với Hồ Gươm).
Nhiều bài thơ của tác giả Nguyễn Chí Bền được cấu tứ dưới hình thức đối thoại với lịch sử, dùng con mắt thời nay để nhìn những vấn đề trong quá khứ. Với di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, ông đã ngẫm ngợi: “Mồ hôi của bao thế hệ lê dân/ Trí tuệ của bao nguyên khí/ Bàn tay tài hoa của bao người thợ/ Ẩn tàng trong lòng đất Thăng Long” (Ghi chép ở Hoàng thành). Đọc những dòng thơ này, có thể thấy hồn thơ trong một nhà khoa học không hề mâu thuẫn. Những suy nghĩ biện chứng của nhà khoa học đã được “chưng cất” trở thành tính triết luận trong thơ ca.
Trong tập thơ này rất dễ tìm thấy những câu thơ, đoạn thơ lấp lánh; nhưng nếu tìm bài thơ thật sự "trọn vẹn” thì không nhiều. Đây là điều dễ nhận thấy ở những cây bút không chuyên, đôi khi hình thức và nội dung trong tác phẩm thiếu hòa quyện. Cũng dễ hiểu vì việc sáng tác thơ đối với GS, TS Nguyễn Chí Bền không phải là ưu tiên hàng đầu, dường như đó là cách cân bằng trong tâm trí của một nhà khoa học bận rộn.
Điều đọng lại trong tập thơ vẫn là một tình yêu Hà Nội tha thiết. Trái tim và trí tuệ của GS, TS Nguyễn Chí Bền luôn mong muốn văn hóa Hà Nội mãi tỏa sáng, là động lực quan trọng để Thủ đô phát triển bền vững.
UYÊN NHI
Các bài viết liên quan

Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản đã được công nhận sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới

Nhà hát Kịch nói Quân đội: Báo cáo vở diễn mới về phòng, chống tội phạm ma túy

Chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” trưng bày hơn 700 bức tranh
