Lý do dâu tây Hàn Quốc được yêu thích
24/04/2025 15:35
Dâu tây từ lâu đã là loại trái cây được yêu thích nhất tại Hàn Quốc vào mùa đông và xuân nhờ vị ngọt đậm, mọng nước. Những năm gần đây, danh tiếng của dâu tây Hàn Quốc đã vượt ra ngoài biên giới. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu dâu tây tăng từ 32 triệu USD năm 2016 lên 69 triệu USD năm 2024, đưa loại quả này thành sản phẩm nông nghiệp tươi xuất khẩu lớn thứ ba của quốc gia, sau ớt chuông và lê.
Nhu cầu dâu tây Hàn Quốc đặc biệt mạnh ở Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia hay cả Hong Kong. Năm 2022, truyền thống Hàn Quốc đưa tin các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) đã được sử dụng để vận chuyển dâu tây tới Hong Kong và Singapore.
Các giống dâu tây thương mại được đưa vào Hàn Quốc từ Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 nhưng chỉ thực sự phổ biến từ những năm 1960. Từ thập niên 1980, việc sử dụng nhà kính đã thúc đẩy sản lượng dâu tây, giúp loại trái cây này được bán ngay cả trong mùa đông.
Trước năm 2005, thị trường dâu tây Hàn Quốc chủ yếu là hai giống từ Nhật Bản: Yukbo và Janghee, chiếm 85,9% thị phần nhờ vị ngọt, thời gian bảo quản lâu. Tuy nhiên, năm 2005, giống dâu Seolhyang do trạm nghiên cứu ở Nonsan, tỉnh Nam Chungcheong, phát triển đã thay đổi cuộc chơi. Với vị ngọt thanh, độ chua vừa phải và khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên, Seolhyang nhanh chóng trở thành giống dâu được yêu thích nhất và giữ vững vị trí này đến nay.
Hiện tại, Hàn Quốc đã phát triển 18 giống dâu nội địa, trong đó, Jukhyang là giống ngọt nhất, theo sau là Maehyang và Keumsil. Khác với dâu tây nhập khẩu, dâu tây Hàn Quốc thường nhỏ hơn, màu đỏ tươi và ngọt tự nhiên, lý tưởng để thưởng thức tươi, không cần thêm đường hay kem.
Độ ngọt vượt trội của dâu tây Hàn Quốc đến từ kỹ thuật canh tác trong nhà kính, đặc biệt là phương pháp thủy canh, cho phép kiểm soát chính xác nhiệt độ, độ ẩm và dinh dưỡng. Dâu tây trồng ngoài đồng chịu ảnh hưởng của thời tiết và đất, dẫn đến sự khác biệt về kết cấu và vị ngọt.
Tuy nhiên, dâu tây Hàn Quốc có thời gian bảo quản ngắn và dễ mềm, khiến chúng trở thành món quà quý, cần thưởng thức ngay khi còn tươi. Theo chuyên gia từ Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc, ngoại trừ Mannyeonseol với màu trắng đặc trưng, người tiêu dùng khó phân biệt các giống dâu chỉ dựa trên hình thức.
Kinh nghiệm là khi mua dâu tây, hãy chọn những quả hình trái tim, màu đỏ đều, bóng mượt và có cuống xanh tươi. Quả chín hoàn toàn sẽ có màu đỏ lan đến tận cuống. Vì dễ bị mềm và mốc, dâu tây thường được xử lý bằng chất chống nấm. Để làm sạch, ngâm dâu trong nước khi còn cuống, sau đó rửa dưới vòi nước khoảng 30 giây. Thực khách cũng nên bỏ cuống ngay trước khi ăn để tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Dâu tây nhạy cảm với độ ẩm, không nên bảo quản trong túi nhựa kín. Tại nhiệt độ phòng, dâu chỉ giữ được khoảng một ngày. Để bảo quản lâu hơn, hãy đặt dâu trong hộp hoặc giỏ thoáng khí và giữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ 1-5 độ C, tránh lưu trữ quá một tuần để đảm bảo độ tươi ngon. Với vị ngọt khó cưỡng và vẻ ngoài bắt mắt, dâu tây Hàn Quốc trở thành biểu tượng của sự tinh tế, thu hút du khách từ khắp nơi đến với Seoul.
Theo vnexpress.net
Các bài viết liên quan

Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Quân đội

Quân đoàn 34: Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
