"Bức tranh" tổng quát về văn bia Việt Nam

Nhóm tác giả không chỉ vẽ nên "bức tranh" tổng quát về văn bia Việt Nam mà còn khai thác những chiều sâu ít người chạm đến. 

Công trình là lời khẳng định mạnh mẽ văn bia Việt Nam không chỉ là di sản của đất nước mà còn là một phần của văn hóa khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Nhóm tác giả chỉ ra sự khác biệt độc đáo: Nếu các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc thường giới hạn sự xuất hiện của văn bia ở các di tích trọng điểm thì tại Việt Nam, văn bia hiện diện khắp nơi-từ chốn đình trung đến nơi chùa chiền, miếu mạo. Văn bia không chỉ ghi chép lịch sử mà còn tái hiện toàn bộ đời sống xã hội, tín ngưỡng và văn hóa của người Việt.

Các tác giả đã làm cuộc “việt dã” trong khoảng 1.700 năm để đưa ra những khái quát về đặc điểm trang trí mỹ thuật văn bia qua từng thời kỳ, đặc biệt ở giai đoạn độc lập, tự chủ từ thế kỷ 10 đến năm 1945. Theo đó, từ hình ảnh rồng thắt miệng túi trên lá đề thời Lý với những đường nét thanh thoát cho đến đồ án tam long thời Lê sơ, nhóm tác giả không chỉ giúp độc giả nhìn ra vẻ đẹp nghệ thuật mà còn cung cấp cách thức định niên đại, nhận diện phong cách thông qua hoa văn.

Hay nói một cách giản dị: Nhìn hoa văn mà đọc được niên đại; nhìn mỹ thuật mà ra được văn hóa, nhìn thớ đá mà hiểu ra bàn tay của nghệ nhân. Đây là sự kết hợp khéo léo giữa mỹ cảm và tư duy khoa học, mở ra hướng tiếp cận mới cho những nghiên cứu sâu sắc hơn trong tương lai. 

"Bức tranh" tổng quát về văn bia Việt Nam
Bìa cuốn sách. 

Không dừng lại ở việc khai thác giá trị mỹ thuật, cuốn sách còn đi sâu khảo cứu nguồn gốc vật liệu, hành trình của những mỏ đá, làng nghề, những người thợ chạm khắc qua từng triều đại. Cuốn sách cũng làm một khảo cứu chuyên biệt về những cơ quan điêu khắc đá của triều đình trong ngàn năm lịch sử, từ thời Lý, Trần, Lê sơ đến Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn.

Đây là một chương đặc biệt cuốn hút, vì lần đầu tiên được nghiên cứu một cách hệ thống theo chiều lịch đại, cả ở các phường thợ dân gian cho đến các cơ quan chuyên trách của triều đình như Thạch tượng cục hay Hoa văn học sinh... Tác phẩm không chỉ làm sáng rõ vai trò của văn bia trong lịch sử mà còn soi chiếu vào những góc khuất ít được biết đến, nơi con người, văn hóa và nghệ thuật gặp nhau trong sự hòa quyện tinh tế nhưng cũng mang đầy tính thân phận.

Cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ với cách xây dựng một khung lý thuyết nhất quán, giúp tiếp cận hệ thống văn bia Việt Nam như một di sản tích hợp đa giá trị, mà nhóm tác giả định danh bằng khái niệm “bi ký học văn hóa” (cultural epigraphy). Thay vì giới hạn trong cách nhìn nhận truyền thống, nhóm tác giả kết hợp linh hoạt giữa bi ký học, khảo cổ học, mỹ thuật học lịch sử với sử học, sử liệu học, văn hóa học... mở ra những chiều kích nghiên cứu mới, từ việc xác định niên đại qua hoa văn chạm khắc đến việc khám phá vai trò của văn bia trong đời sống làng xã Việt Nam, trong đời sống thực hành tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo. Khung lý thuyết này không chỉ giúp hệ thống hóa các giá trị văn bia mà còn đưa văn bia vào vị trí trung tâm trong việc nghiên cứu lịch sử-văn hóa Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ hơn trong cấu trúc 10 chương của cuốn sách, với các nội dung về văn bia Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, bia hậu, bia đình, bia cầu, bia quán, với các loại hình ruộng đất hay cảnh quan, đê điều, biển, đảo...

Điều làm nên sức hấp dẫn của “Văn bia Việt Nam-di sản, văn hóa và lịch sử” không chỉ nằm ở nội dung phong phú mà còn ở cách tác giả đặt văn bia trong bối cảnh rộng lớn hơn. Qua đó, văn bia Việt Nam không chỉ được nhìn nhận như một di sản địa phương mà còn là một phần của dòng chảy văn minh khu vực. Những "trang sử đá" trường tồn là lời nhắc nhở rằng, ký ức hào hùng của dân tộc không chỉ được lưu giữ trong trí nhớ cộng đồng mà còn hiện hữu trên những hiện vật sống động, nơi thời gian không thể xóa nhòa. 

NGUYỆT LINH

Theo QDND

Các bài viết liên quan

photo

Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản đã được công nhận sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành văn bản số 1445 /BVHTTDL-DSVH về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính (ĐVHC) hình thành sau sắp xếp có di tích là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL.
photo

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới

TPO - Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân vừa được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới. Bộ sưu tập này gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, phản ánh biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân ta qua nhiều thời kỳ.
11-04-2025 Giao lưu
photo

Nhà hát Kịch nói Quân đội: Báo cáo vở diễn mới về phòng, chống tội phạm ma túy

Chiều 11-3, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ trì buổi biểu diễn báo cáo vở kịch "Không gục ngã".
photo

Chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” trưng bày hơn 700 bức tranh

Sáng 13-3, gia đình cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông và SANN - The House of Art (Ngôi nhà nghệ thuật) phối hợp tổ chức thông tin về sự kiện ra mắt chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông”.
photo

Điện Biên: Tưng bừng các hoạt động văn nghệ, thể thao trước thềm Lễ hội hoa ban

Trong khuôn khổ Lễ hội hoa ban năm 2025 và Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VIII, ngày 13-3, tại Không gian văn hóa vùng cao - Khu di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hầm Đờ cát) đã diễn ra các hoạt động thi đấu thể thao tung còn và giã bánh giầy.
quang-cao