Chùa Hà: Không chỉ là nơi cầu duyên
12/03/2025 15:01
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức Tự, tọa lạc tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Đây là công trình có lịch sử thú vị, gắn liền với 2 truyền thuyết thời Lý và Hậu Lê.
Tương truyền, vào thời nhà Lý, vua Lý Thánh Tông đã 42 tuổi vẫn chưa có con. Sau đó, ông đến các chùa ở Dịch Vọng như chùa Thôn Hậu, chùa Bối Hà cầu tự mà sinh Thái tử Càn Đức (Lý Nhân Tông), ban lễ vật cho các chùa đó. Để kỷ niệm sự kiện này, chùa Thôn Hậu được đặt tên là chùa Thánh Chúa, còn chùa Bối Hà được gọi là Thánh Đức Tự.
Một thuyết khác lại kể rằng, lúc hàn vi, vua Lê Thánh Tông có lần tị nạn tại chùa Bối Hà, chùa Thôn Hậu. Vì thế, các chùa mới có tên là chùa Thánh Đức, chùa Thánh Chúa.
Trải qua năm tháng, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh, ngôi chùa bị phá hủy nhiều lần. Đến đời vua Lê Hy Tông, có hai người buôn bán gốm sứ quê ở làng Thổ Hà, Bắc Giang làm ăn thuận lợi, nên đã công đức cho nhà chùa số tiền lớn để xây dựng lại chùa bằng gạch ngói. Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm và chùa là Bối Hà, nôm là chùa Hà.
Cũng tại đây, tối 15-8-1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự bất thường, gồm các cán bộ phụ trách tự vệ và đội trưởng các đội công nhân xung phong, thanh niên xung phong, để bàn những công việc cấp bách chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Vì vậy, năm 1982, UBND TP Hà Nội đã gắn biển Di tích cách mạng cho chùa Hà. Đến năm 1996, chùa Hà được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa.
![]() |
Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và tôn tạo, chùa Hà ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. |
Cầu duyên “đi một về hai”
Từ xa xưa, ngôi chùa này đã trở thành biểu tượng của tục lệ cầu duyên, nổi tiếng là “đi một về hai”. Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến, xuân về hay những ngày mùng một, ngày rằm các tháng trong năm, rất nhiều người tìm đến đây để lễ bái.
Vốn dĩ không có một sự tích, câu chuyện nào gắn liền địa danh chùa Hà với tình yêu đôi lứa và nơi đây cũng không thờ bất cứ nhân vật nào có điển tích liên quan đến tình yêu, thế nhưng, không ngẫu nhiên mà dân gian lưu truyền câu nói “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” khi nhắc đến chùa Hà. Nhiều người tới đây cầu duyên như một thói quen bởi tiếng lành đồn xa, người ta đến lễ, thấy ứng nghiệm thì truyền tai nhau, thế là thành tục lệ.
![]() |
Lễ vật dâng hương tại chùa Hà. |
Lễ vật dâng hương thường bao gồm hoa quả, bánh trái, sớ, tiền vàng. Hoa tươi được chọn lựa kỹ càng, từ sen hồng thơm ngát, huệ trắng tinh khôi đến cành hồng đỏ thắm tượng trưng cho tình duyên.
Mâm ngũ quả được bày biện đẹp mắt, với những loại trái cây tươi ngon theo mùa. Bánh kẹo truyền thống, xôi chè và cả trầu cau cũng được chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt, những người đến cầu duyên thường không quên sắm thêm trầu têm cánh phượng và hoa hồng đỏ, như một lời nguyện ước cho tình duyên viên mãn.
Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, mọi người thành kính thắp nén nhang thơm, chắp tay khấn vái, gửi gắm những ước nguyện từ tận đáy lòng. Người thì cầu mong bình an, sức khỏe cho gia đình, người thì mong công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt. Những bạn trẻ đến cầu duyên thì thành tâm khấn nguyện mong sớm tìm được một nửa yêu thương.
Những năm gần đây, phong tục cầu duyên tại chùa Hà ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ, bởi sự lan truyền thông tin mạnh mẽ trên mạng xã hội. Không chỉ người độc thân, mà ngay cả những cặp đôi yêu nhau cũng tìm đến đây để cầu mong tình duyên suôn sẻ, bền lâu.
Ngoài ra, cầu duyên không đơn thuần là cầu cho tình duyên đôi lứa, mà còn là mong cầu cho những mối lương duyên tốt đẹp khác trong cuộc sống. Đó có thể là những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp chân thành, hay những mối quan hệ khác trong đời sống.
Chốn bình yên giữa phố thị
Bên cạnh phong tục cầu duyên, chùa Hà còn là điểm đến của nhiều người để cầu bình an, sức khỏe, gia đạo êm ấm, tìm kiếm sự an yên, thanh thản trong tâm hồn. Giữa nhịp sống hối hả của thành phố, ngôi chùa như một chốn dừng chân giúp con người tạm gác lại mọi bộn bề lo toan trong cuộc sống.
![]() |
Đi chùa giúp nhiều người tìm được sự thanh thản, an yên hơn trong tâm hồn. |
Nhiều người tin rằng, trước khi tìm được mối quan hệ lành mạnh, trước hết phải học cách trân trọng và yêu thương bản thân.
“Trước đây, mình từng đặt quá nhiều kỳ vọng vào tình yêu mà quên mất chính mình, nhưng rồi mình nhận ra rằng bản thân phải thực sự hạnh phúc trước khi mong ai đó mang lại hạnh phúc cho mình. Hôm nay, mình đến chùa để tĩnh tâm, suy ngẫm và mong cầu có thể hoàn thiện bản thân hơn, trước khi mở lòng một lần nữa”, bạn Như Quỳnh (20 tuổi, ở Tuyên Quang) chia sẻ.
Trong đời sống hiện đại, chùa Hà không chỉ là một địa chỉ tâm linh, mà còn trở thành không gian để con người tìm thấy sự cân bằng, hướng thiện cũng như hoàn thiện bản thân. Dù đến đây với mong muốn nào, ước nguyện gì, điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Chính điều đó sẽ góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống, giá trị tín ngưỡng tâm linh của người Việt từ bao đời nay.
Bài, ảnh: MAI THANH - NGỌC THƠ
Các bài viết liên quan

Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản đã được công nhận sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới

Nhà hát Kịch nói Quân đội: Báo cáo vở diễn mới về phòng, chống tội phạm ma túy

Chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” trưng bày hơn 700 bức tranh
