Giấc mơ đổi đời và những chiếc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động
20/04/2025 12:19
Làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xem là cánh cửa mở ra cơ hội đổi đời cho nhiều lao động Việt Nam, không chỉ mang lại thu nhập cao hơn mà còn góp phần cải thiện đời sống. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn ngang nhiên tổ chức tuyển dụng, thu hồ sơ, thậm chí là thu tiền dưới nhiều hình thức. Sau khi nhận tiền, hợp đồng không được thực hiện, người lao động không thể đi xuất khẩu lao động như đã cam kết. Không chỉ mất tiền, họ còn đánh mất niềm tin.
Đáng lo ngại hơn, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, nhất là trên nền tảng mạng xã hội. Không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần khốn khó, có người rơi vào bế tắc khi giấc mơ đổi đời đã tan vỡ.
Ông Trần Quang Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cho biết: "Có rất nhiều đối tượng lợi dụng chính sách xuất khẩu lao động để trục lợi, lừa đảo người lao động. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi".
Theo ông Thanh, có ba hình thức lừa đảo phổ biến. Thứ nhất là các tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng vẫn đứng ra tuyển dụng. Họ có thể liên hệ được với các đầu mối nước ngoài và lợi dụng điều này để lấy lòng tin của người lao động, thu hồ sơ, thu tiền. Tuy nhiên, do không đủ pháp lý nên không thể làm thủ tục cho người lao động xuất cảnh.
Thứ hai là một số cán bộ tuyển dụng hoặc cộng tác viên của các công ty có giấy phép, lợi dụng thông tin đơn hàng để thu tiền riêng từ người lao động. Sau khi gom đủ tiền, họ cắt đứt liên lạc và bỏ trốn.
Thứ ba là các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, đang gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các đối tượng thường đưa ra thông tin sai lệch, đánh trúng tâm lý người lao động muốn đi nhanh, chi phí thấp để chiếm đoạt tài sản.
Đáng lo ngại, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi thông tin tiếp cận còn hạn chế, lại chính là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Họ không chỉ mất tiền mà còn rơi vào vòng xoáy nợ nần.
"Chính quyền địa phương cần có vai trò chủ động hơn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Khi có nhu cầu, người lao động nên đến xác minh tại UBND xã, phường hoặc Sở Lao động để biết doanh nghiệp mình định đăng ký có giấy phép hay không", ông Thanh khuyến nghị.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, mỗi năm có gần 160.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng tổng số lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ lên khoảng 700.000 người.
Xuất khẩu lao động là cơ hội để nhiều người cải thiện thu nhập, chăm lo cho gia đình và đổi đời bằng chính sức lao động của mình. Hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, con số này dự kiến sẽ còn tăng khi nhu cầu thị trường tiếp tục mở rộng.
Tuy nhiên, cũng chính vì mong muốn chính đáng ấy mà không ít người đã rơi vào bẫy lừa đảo. Chỉ trong vài tháng gần đây, nhiều vụ việc đã bị khởi tố, hàng loạt người lao động mất tiền, mất cơ hội, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
"Với các đối tượng là tổ chức hoặc cá nhân trong nước, khi bị tố giác và cơ quan chức năng vào cuộc, họ sẽ bị xử lý theo pháp luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người lao động quá tin tưởng, không kiểm tra kỹ tư cách pháp lý của bên tuyển dụng, chỉ đến khi bị lừa mới tố giác. Lúc đó, việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn vì thời gian đã trôi qua và dấu vết không còn rõ ràng. Đặc biệt, với các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, việc xác minh danh tính đối tượng càng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và ý thức tố giác kịp thời từ người dân", ông Thanh cho biết thêm.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam hiện đang mở rộng sang nhiều nước châu Âu như Romania, Hungary, Ba Lan, Phần Lan, Đức, đồng thời thúc đẩy khai thông thị trường Mỹ, Canada và từng bước phát triển tại Australia, New Zealand. Từ đầu năm đến nay, nhiều thỏa thuận mới đã được ký kết, mở ra thêm cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.
"Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, phối hợp với doanh nghiệp hợp pháp để tuyên truyền, lan tỏa thông tin chính thống tới người lao động. Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan quản lý và truyền thông đẩy mạnh phổ biến các dấu hiệu lừa đảo để người dân sớm nhận biết", ông Thanh chia sẻ.
Với nhiều người ở những vùng quê còn khó khăn, đi lao động nước ngoài là cánh cửa mở ra hy vọng đổi đời. Nhưng cánh cửa đó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu niềm tin được đặt sai chỗ.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà chỉ một cú click chuột có thể mở ra cả thế giới hoặc dẫn tới những chiếc bẫy lừa đảo ngày càng tinh vi. Vì vậy, trước khi nghĩ đến visa hay máy bay, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức và sự tỉnh táo. Đó chính là "tấm hộ chiếu an toàn" đầu tiên cho một hành trình lập nghiệp bền vững nơi đất khách.
Theo vtv.vn
Các bài viết liên quan

Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Quân đội

Quân đoàn 34: Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
