Hàn Quốc có thể áp dụng tuần làm việc 4 ngày?
19/04/2025 22:24
Wang Sung-jun, một nhà nghiên cứu 29 tuổi tại Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông Hàn Quốc, gần đây chỉ làm việc bốn ngày mỗi tuần trong hai tuần liên tiếp, nhờ chính sách làm việc linh hoạt của cơ quan.
“Tôi làm việc muộn hầu hết các ngày, vì tôi vẫn phải hoàn thành đủ 80 giờ trong hai tuần,” anh nói với The Korea Times.
Tuy nhiên, chỉ làm việc bốn ngày mỗi tuần đã giúp anh có thêm thời gian cho bản thân. Anh cảm thấy khỏe hơn và có thể tự do làm những điều mình muốn.
Trải nghiệm của Wang có thể sớm trở nên phổ biến hơn với người lao động Hàn Quốc, khi ý tưởng về tuần làm việc bốn ngày đang được ngày càng nhiều tổ chức và doanh nghiệp quan tâm
Hồi tháng 2, ông Lee Jae-myung, ứng viên tổng thống Hàn Quốc đã đề cập đến ý tưởng này trong một bài phát biểu tại Quốc hội. Ông lập luận rằng năng suất tăng nhờ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến nên được chuyển hóa thành việc cắt giảm giờ làm việc.
“Hàn Quốc hiện đứng thứ năm trong số các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế gồm 38 quốc gia) về thời gian làm việc dài nhất,” ông Lee nhấn mạnh.
Theo thống kê năm 2022, người lao động Hàn Quốc làm việc nhiều hơn 149 giờ mỗi năm so với mức trung bình 1.752 giờ của OECD, tương đương hơn một tháng làm thêm.
Hiện tại, tuần làm việc bốn ngày chủ yếu chỉ được áp dụng trong một số doanh nghiệp lớn, công ty công nghệ, tổ chức công và cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên, việc mở rộng chính sách này vẫn đối mặt nhiều rào cản, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tuần làm việc ngắn hơn là một thách thức với chúng tôi,” một đại diện của Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nói.
Người này cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang thiếu lao động, nên việc giảm số ngày làm việc sẽ kéo theo số ngày sản xuất ít hơn, trong khi khối lượng công việc vẫn giữ nguyên. Điều này buộc người lao động phải làm thêm giờ, khiến chi phí nhân công gia tăng.
Lãnh đạo tại một tập đoàn lớn cũng bày tỏ lo ngại tương tự: “Nếu chính sách này được thực thi, các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó đáp ứng thời hạn giao hàng, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.”
Ông Lee Jeong-hee, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, thừa nhận rằng trong khi các doanh nghiệp lớn và cơ quan công có thể giảm giờ làm việc mà không ảnh hưởng đến lương, thì điều này lại rất khó thực hiện đối với các công ty nhỏ.
Ông đề xuất: "Chúng ta có thể thử áp dụng tuần làm việc bốn ngày ở những ngành cần nhiều lao động và có tỷ lệ nghỉ việc cao, như ngành điều dưỡng bệnh viện."
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống linh hoạt, thay vì áp dụng một mô hình cố định cho mọi ngành nghề.
Giáo sư xã hội học Lim Woon-taek tại Đại học Keimyung nhận định: “Áp đặt số ngày làm việc cố định không phải là giải pháp cốt lõi. Vấn đề nên là làm sao để nâng cao năng suất.”
Ông cho rằng Hàn Quốc cần kiểm soát tình trạng làm thêm giờ quá mức, đặc biệt trong các ngành có cường độ lao động cao. Trong các lĩnh vực như dịch vụ hay nghiên cứu công nghệ thông tin, việc giảm giờ làm không phải là giải pháp đơn giản.
Theo ông, điều quan trọng là phải xây dựng một hệ thống giờ làm việc linh hoạt và hợp lý. Ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc tranh luận về tuần làm việc ngắn hơn sẽ vẫn tiếp tục, vì từ trước đến nay, chúng ta thường dựa vào việc tăng giờ làm việc thay vì tìm cách làm việc hiệu quả hơn.
Theo Korea Times
Các bài viết liên quan

Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Quân đội

Quân đoàn 34: Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
