Lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc vắng bóng tại Cannes
20/04/2025 11:42
Theo tờ Chosun, danh sách phim tham dự chính thức của Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 công bố ngày 10-4 đã tạo nên cú sốc lớn cho khán giả.
Lần đầu tiên sau 12 năm, điện ảnh Hàn Quốc không có phim nào vào danh sách chính thức (từ năm 2013). Lần đầu tiên sau 26 năm, nền điện ảnh này vắng mặt hoàn toàn tại Cannes (từ năm 1999).
"Làm phim không chỉ là công việc của một cá nhân mà còn là một ngành công nghiệp đằng sau. Vì vậy sản xuất nội dung sẽ phải chạy theo dòng tiền, thứ hiện đang chảy vào các nền tảng trực tuyến. Hàn Quốc đang tập trung quá nhiều theo hướng đó khiến số lượng phim chiếu rạp ngày càng giảm."
Shim Eun Jin (giáo sư ngành sân khấu điện ảnh, Đại học Cheongju) nói với Korea Times
Hậu Bong Joon Ho, Park Chan Wook
Trái ngược với Hàn Quốc, Nhật Bản có đến ba phim được chọn vào danh sách chính thức tranh các giải quan trọng, trong đó có Cành Cọ Vàng. Ngay cả Midnight Screening - hạng mục mà Hàn Quốc liên tục góp mặt trong ba năm qua - cũng bị điện ảnh Nhật thay thế.
Các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá: "Nếu cứ tiếp tục như thế này, thời kỳ hoàng kim của phim Hàn Quốc sẽ chỉ còn là vinh quang quá khứ". Đồng thời đưa ra cảnh báo rằng thế độc tôn của điện ảnh Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.
Chosun nhận định kết quả "lạ lùng" từ Cannes là điều tất yếu và tiến hành khảo sát với 11 chuyên gia. Phần lớn ý kiến cho rằng đây là "sự bộc lộ của những vấn đề tích tụ qua nhiều năm".
"Thực trạng này được thể hiện rõ qua trường hợp của CJ ENM - công ty đầu tư và phát hành phim hàng đầu Hàn Quốc - từng dẫn đầu trong việc đưa phim Hàn Quốc ra toàn cầu với các tác phẩm như Ký sinh trùng, Quyết tâm chia tay.
Đáng buồn thay 5 năm nay công ty này vừa không có phim tham dự Cannes vừa không thể dựng gian hàng để thu hút các nhà mua phim quốc tế với lý do không có phim để bán" - Chosun viết.
Sự sa sút của phim Hàn Quốc càng thêm đau đớn khi đặt cạnh sự vươn lên mạnh mẽ của phim Nhật Bản. Renoir, Exit 8, Pale Hill Landscape là ba phim Nhật xuất hiện tại Cannes năm nay.
Đáng chú ý, đạo diễn của các phim này đều ở độ tuổi 40, tạo nên sự tương phản rõ rệt với Hàn Quốc - nơi vẫn đang loay hoay trong nỗi lo vắng bóng thế hệ kế thừa Bong Joon Ho và Park Chan Wook.
Theo Korea Times, bên cạnh không có thế hệ đạo diễn tài năng kế thừa, một nguyên nhân khác dẫn đến việc Hàn Quốc bị "đá văng" khỏi đường đua Cannes là do điện ảnh nước này dần chuyển dịch sang hình thức trực tuyến dẫn đến việc các dự án điện ảnh lớn, vốn dĩ là ứng viên nặng ký cho các liên hoan phim quốc tế, ngày càng ít được đầu tư.
Gặp khó vì thiếu động lực
Điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào cuối những năm 1990 nhưng dần trở nên bảo thủ và thiếu sáng tạo sau đó. Đặc biệt sự giảm sút từ nguồn đầu tư và số phim sau đại dịch COVID-19 đã làm tình hình trở nên tệ hơn.
Theo số liệu năm 2024, quy mô ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc đạt 3.332 tỉ won, tăng 4% so với năm 2023, trong khi doanh thu từ các dịch vụ OTT tăng 11%, đạt 2.719 tỉ won. Tuy nhiên doanh thu phòng vé giảm 5,5%, chỉ đạt 1.260 tỉ won, tương đương với 53% so với năm 2019.
Khi thị trường ngày càng thu hẹp, nhiều nhà làm phim đã chọn đi con đường an toàn với những bộ phim tầm trung, ưu tiên sử dụng diễn viên nổi tiếng thay vì mạo hiểm sáng tạo những tác phẩm có tính nghệ thuật cao và khiến các liên hoan phim quốc tế dần quay lưng.
Các chuyên gia phân tích để thoát khỏi tình trạng này, điện ảnh Hàn Quốc cần cải thiện hệ thống để phát triển song song giữa các phim thương mại lớn và các phim độc lập kinh phí thấp.
Ông Nam Dong Cheol - từng là giám tuyển của Liên hoan phim Busan - nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho các bộ phim tầm trung với ngân sách 2-3 tỉ won là rất quan trọng.
Ông này chỉ ra rằng một trong những yếu tố giúp điện ảnh Nhật Bản bứt phá là nhờ môi trường sản xuất linh hoạt, dù chỉ có mức đầu tư 1-2 tỉ won, các nhà làm phim vẫn có thể tạo ra những tác phẩm chất lượng, có sức nặng cả về nghệ thuật lẫn thị trường.
Choi Jae Won - đại diện Anthology Studio, công ty sản xuất bộ phim Cobweb dự Cannes năm 2023 - cho biết: "Phim The Attorney đạt 10 triệu lượt xem là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Yang Woo Suk. Giờ đây sự dũng cảm đầu tư vào các đạo diễn mới ở Hàn dường như đã biến mất, thật đáng tiếc".
Bên cạnh đó các chuyên gia còn nhận định điện ảnh Hàn Quốc cần có một tầm nhìn toàn cầu hơn. Không nên chỉ phụ thuộc vào đầu tư trong nước mà cần mở rộng hợp tác với các nền điện ảnh khác như Đông Nam Á để có thể lấy lại vị thế tại các liên hoan phim quốc tế.
Theo tuoitre.vn
Các bài viết liên quan

Đại tướng Phan Văn Giang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xăng dầu Quân đội

Quân đoàn 34: Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
